BẮT NHỊP CẦU XANH “TÁI CHẾ” ĐỒ DÙNG KHÁCH SẠN - SÁNG KIẾN HAY LẠI THỰC TẾ
April 23, 2024 592 hongthuy95
Nhiều resort, khách sạn đến kỳ là phải thay mới đồ vải, vật tư dù đa số còn rất mới. Mặt khác, nhiều cơ sở kinh doanh lưu trú vừa và nhỏ lại eo hẹp ngân sách để thường xuyên đầu tư mua mới đồ dùng. Thế thì tại sao không tìm cách kết nối nơi cần cho - chỗ cần nhận? Nhịp cầu xanh mang theo kỳ vọng “tái chế” đồ dùng khách sạn được triển khai bởi Hoteljob.vn là sáng kiến hay ho, lại vô cùng thực tế.
Mới đây, CEO Santa Việt Nam (công ty quản lý website Hoteljob.vn, cũng là chủ Santa Villa Hội An) đã xin - kết nối - trao tặng khá nhiều đồ không sử dụng đến (nhưng còn mới và hữu dụng) của các khách sạn, resort cho đại diện các làng du lịch cộng đồng về Hội An tập huấn và tham gia Chợ phiên Làng chài Tân Thành (sản phẩm OCOP 4 sao và được trao giải thưởng du lịch cộng đồng ASEAN).
Nhận thấy tính hữu ích của hành động này, Hoteljob dự kiến phát động chương trình: Nhịp cầu xanh/ Green connect, làm trung gian đứng ra nhận kết nối đăng ký cho và đăng ký nhận các đồ dùng khách sạn, như: đồ vải, trang thiết bị, vật tư… mà khách sạn, resort không dùng nữa để hỗ trợ cho các làng du lịch cộng đồng còn nhiều khó khăn, có nhu cầu xin - nhận.
Website sẽ thông qua các tổ chức phi chính phủ, các hội/ nhóm từ thiện/ phượt để có được thông tin là làng/ đơn vị kinh doanh dịch vụ lưu trú nào đang cần.
Đây thật sự là một ý tưởng cực kỳ nhân văn và cần thiết, hỗ trợ đúng và kích thích kịp thời người dân cộng đồng các làng du lịch vốn đang còn nhiều khó khăn về mặt tài chính, cũng ít hiểu biết về lựa chọn vật tư phục vụ khách sao cho chất lượng và giá tốt. Trong khi đó, những đồ vải hay trang thiết bị mà khách sạn, resort đến kỳ phải thay ra lại còn sử dụng được, bỏ đi cũng vô cùng lãng phí… Đặc biệt, kéo dài thời gian sử dụng của số lượng lớn đồ dùng đó cũng là cách làm của du lịch xanh, recycle (tái chế) đồ còn giá trị.
Hữu ích là thế nhưng ý tưởng này hiện đang gặp phải bất cập ở khâu vận chuyển. Nơi cho đã sẵn sàng đăng ký cho đi, nơi nhận cũng luôn đang trong trạng thái cần đồ nhưng ai/phương tiện nào sẽ nhận phần đến thu đồ từ chỗ cho và vận chuyển đồ đến chỗ nhận? Mời dân ngành cùng nhau thảo luận, hiến kế giúp Hoteljob nhé!
Nếu được, có đơn vị nào hỗ trợ khâu vận chuyển không nhỉ? Hoặc cá nhân/đơn vị/tổ chức nào sẵn lòng tài trợ, gây quỹ đóng góp để hỗ trợ vận chuyển cũng có thể đề xuất giải pháp để chúng ta tìm ra cách làm hay và hiệu quả nhất, góp phần hiện thực hóa ý tưởng thiết thực này, bắt nhịp cầu xanh để “tái chế” đồ dùng khách sạn từ nơi cho đến nơi nhận nhanh chóng và chính xác nhất.